PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN

TẠI HỘI NGHỊ TƯƠNG LAI CHÂU Á LẦN THỨ 16

Tokyo, ngày 20 tháng 5 năm 2010

 

 Chủ đề : “Hướng tới quan hệ đối tác kinh tế mở:

Một nền tảng mới cho tăng trưởng”

 

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa Quý vị và các bạn,

Trước hết tôi xin cám ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á năm 2010. Tôi đánh giá rất cao Báo Nikkei đã khởi xướng và duy trì đều đặn Diễn đàn thường niên quan trọng này, tạo điều kiện cho các nước châu Á chúng ta trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tìm kiếm những phương hướng cho hợp tác và phát triển cũng như giải pháp để đối phó hiệu quả với các khó khăn, thách thức chung.

 

Thưa Quý vị,

Khác với năm ngoái, hội nghị Tương lai Châu Á năm 2010 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tiếp tục đà phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các khu vực. Các báo cáo nghiên cứu kinh tế gần đây đều cho thấy triển vọng khả quan của sự phục hồi của kinh tế thế giới. Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2010 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 4,25% (cao hơn mức 3,9% tại tháng 1/2010) và duy trì mức dự báo cho năm 2011 ở 4,3%.

Tuy nhiên sự phục hồi này không đồng đều và chưa bền vững, kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn như: tỷ lệ nợ công cao chưa từng có, thâm hụt ngân sách, nguy cơ lạm phát, thất nghiệp. Điều cần hết sức lưu tâm là trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau tăng lên hiện nay, các thách thức này không chỉ là khó khăn tạm thời cho mỗi quốc gia, mà còn có thể tạo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực cho các nước khác như những gì chúng ta chứng kiến tại khu vực đồng Euro trong thời gian gần đây.

Điều đáng mừng là trong bức tranh sáng sủa hơn của nền kinh tế thế giới, Châu Á đang dẫn đầu quá trình phục hồi. Báo cáo tháng tư của Ngân hàng phát triển Châu Á đã đem đến cho chúng ta những tin vui đầy lạc quan. Đông Á tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh và ấn tượng theo “mô hình chữ V”. Tăng trưởng GDP của ASEAN+3 dự kiến đạt 4,6% trong năm 2010 so với mức 0,9% của năm 2009. ASEAN cũng dự kiến điều chỉnh mức tăng trưởng từ 4,9 lên 5,6% trong năm 2010. Nhìn chung, các nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ nhờ biết khai thác thích hợp nhu cầu nội địa, hệ thống tài chính lành mạnh, nền tảng kinh tế vững chắc cũng như các biện pháp chính sách quyết đoán và phù hợp của các chính phủ Châu Á.

Đối với các nước ASEAN, có thể thấy, các chính sách hướng tới khuyến khích kinh doanh và tạo dựng các điều kiện thuận lợi đã giúp các nền kinh tế các quốc gia khu vực Đông Nam Á này giảm nhẹ tác động của các cú sốc từ bên ngoài và nhanh chóng thu hút trở lại các luồng vốn đầu tư.

Vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay là một khi đã thoát ra khỏi khủng hoảng, chúng ta phải làm gì để củng cố xu thế phục hồi, tiếp tục phát triển, làm gì để xây dựng được một mô hình phát triển bền vững hơn và duy trì để Châu Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới trong thế kỷ 21 - thế kỷ được kỳ vọng là thế kỷ của Châu Á.

 Thưa Quý vị và các bạn,

Từ những kinh nghiệm hợp tác thành công trong cộng đồng ASEAN, chúng tôi muốn kể ra sáu lý do khiến hợp tác nội khối ASEAN hoạt động hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tất cả các nước thành viên:

Thứ nhất, thông qua thương mại và đầu tư nội khối, cộng đồng ASEAN với cấu trúc kinh tế và trình độ phát triển tương đồng, cạnh tranh có thể được thúc đẩy một cách có hiệu quả, nhưng không tạo ra những đổ vỡ lớn của các doanh nghiệp.

Thứ hai, các thế mạnh và chuyên nghành riêng của các thành viên ASEAN là cơ sở để tương hỗ lẫn nhau giữa các thành viên.

Thứ ba, các nước ASEAN là các nước láng giềng gần gũi, do đó chi phí vận chuyển hàng hóa thấp hơn so với việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác có vị trí địa lý xa hơn.

Thứ tư, do thuế nhập khẩu rất thấp thậm chí bằng không giữa các nước ASEAN nên chi phí xuất khẩu giữa các công ty cũng giảm đi đáng kể so với việc xuất khẩu ra các nước khác không có hiệp định tự do thương mại.

Thứ năm, việc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên giữa các Lãnh đạo ASEAN giúp các bất đồng giữa các nước và giữa các doanh nghiệp các nước được giải quyết rất nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ sáu, các nước ASEAN đang triển khai sáng kiến kết nối do Singapore đề xuất. Sáng kiến này bao gồm 3 phần: Kết nối Vật chất (xây dựng xây dựng mạng lưới kết nối về giao thông, năng lượng và công nghệ thông tin liên lạc); Kết nối Thể chế (hình thành chính sách về tự do hóa thương mại và thuận lợi hóa đầu tư); và Kết nối Con người thông qua du lịch, giáo dục và trao đổi văn hóa, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các nước ASEAN.

Thương mại nội khối ASEAN đã tăng rất nhanh chóng từ 157,2 tỷ đô la trong năm 2001 đến 304,8 tỷ đô la trong năm 2005, và gần như tăng gấp ba, lên tới 458,1 tỷ vào năm 2008. Đầu tư nội khối ASEAN mặc dù chỉ tăng từ 3,39 tỷ đô là vào năm 2001 lên 3,79 tỷ đô la năm 2005, nhưng tới năm 2008 lại tăng tới 10,8 tỷ đô la chiếm 18,2% tổng FDI (59.7 tỷ đô la) và 11 tỷ đô la vào năm 2009. Nếu trong giai đoạn 2006 – 2008, tổng vốn FDI từ bên ngoài vào khu vực ASEAN tăng lên 8,6%, thì luồng FDI nội khối ASEAN tăng đến 42% trong cùng giai đoạn.

Với sáu lợi thế có được thông qua hợp tác trong cộng đồng ASEAN, tất cả các nước thành viên đều được hưởng lợi từ Hiệp hội này và được bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi những biến động về kinh tế và xã hội. Với sân sau an toàn này, các nước thành viên đều có vị trí tốt hơn trong đàm phán với các nước khác trong các hiệp định song phương và vươn ra hợp tác với những quốc gia và cộng đồng khác trên thế giới như EU, Mỹ, Nga.

Thưa Quý vị và các bạn,

Trong và sau khủng hoảng, đã có nhiều biện pháp chung với sự tham gia của nhiều quốc gia được áp dụng. Đồng thời với quá trình đó, các quốc gia, với những đặc điểm riêng biệt, đã và đang áp dụng những biện pháp riêng, chính sách riêng của mình. Hai quá trình đó không hề mâu thuẫn và có thể diễn ra đồng thời với điều kiện các biện pháp của một quốc gia đơn lẻ không đi ngược lại xu hướng chung. 

Hiện nay, một số nước đang phải thực hiện các biện pháp như: điều chỉnh lãi suất, tỉ giá để giải quyết vấn đề lạm phát hậu khủng hoảng, giữ giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, hoặc bảo hộ, hạn chế nhập khẩu để tăng việc làm trong nước. Về ngắn hạn các biện pháp này có thể giải quyết được vấn đề trước mắt trong nước nhưng về dài hạn một vài trong số những biện pháp này sẽ gây ra những xung đột giữa các nền kinh tế trên thế giới và lại gây tác động ngược trở lại đối với nền kinh tế của chính quốc gia thực hiện những chính sách này. Do đó đối thoại chính sách và phối hợp hành động là vô cùng hữu ích.

Tại Hội nghị Tương lai Châu Á năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kiến nghị một số biện pháp để thoát khỏi khủng hoảng trong đó có việc cần tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước ASEAN, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư với các nền kinh tế Châu Á khác. Tình hình kinh tế thế giới đến nay đã có nhiều thay đổi, kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại đề xuất này bởi vì đó là một biện pháp dài hạn mà chúng ta cần theo đuổi.

 Thưa Quý vị và các bạn,

Năm 2010, Việt Nam vinh dự  đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Năm 2010 sẽ là năm "bản lề" để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng và hoạt động thực sự trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Tầm nhìn và lộ trình hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng cũng như những cơ sở pháp lý đã được xác định rõ. Điều quan trọng là cần hành động với những biện pháp và bước đi cụ thể để biến những mục tiêu đề ra trở thành hiện thực. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã đề ra Chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 là: «Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động». ASEAN đã xây dựng được một lộ trình để tiến tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với các kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị An ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa xã hội.

Trên cơ sở hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, trong 8 năm qua ASEAN đã có được những hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện với tất cả những đối tác quan trọng trong khu vực như: Hiệp định khung về Hợp tác Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Trung Quốc vào năm 2002, Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Hàn Quốc năm 2005, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản năm 2008, Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN – Úc – Newzealand năm 2009 và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ năm 2009.

Tầm cao mới trong hợp tác và hội nhập nội khối đã tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phối hợp hành động nhịp nhàng hơn giữa cấc nước thành viên ASEAN trong khi phải đối mặt với những đe dọa xuyên quốc gia như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và bệnh dịch truyền nhiễm. Nó cũng tạo điều kiện để các nước ASEAN có những nỗ lực chung trong các vấn đề phát triển như kết nối khu vực, phát triển bền vững, hội nhập kinh tế và cải thiện hệ thống an sinh xã hội. ASEAN đã tiến hành nhiều bước đi để đối mặt với những thách thức toàn cầu như: thành lập Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu để triển khai Sáng kiến Biến đổi Khí hậu ASEAN (ACCI); Các nước ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2009 – 2014; ký Hiệp định An ninh dầu khí ASEAN, thông qua Khung tổng thể về Chiến lược hành động An ninh lương thực ASEAN thời kỳ 2009 - 2010, và thành lập Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN + 3. ASEAN cũng đang xây dựng chương trình kết nối đầy tham vọng giữa các nước thành viên về giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không và công nghệ thông tin viễn thông. 

Thưa Quý vị,

            Trong phiên họp sáng nay, chúng ta đã được nghe bài phát biểu của ngài Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh và các ý kiến thảo luận rất lý thú và bổ ích về con đường dẫn tới phát triển bền vững. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xây dựng một mô hình đảm bảo được sự phát triển bền vững hơn, xanh hơn, cân bằng hơn. Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm cho rằng "phát triển xanh" cần và phải là một hướng ưu tiên trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của các nước châu Á và trên thế giới. Bản thân Việt Nam cũng đang trong quá tình từng bước tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần các doanh nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và thay thế bằng các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghệ thân thiện với môi trường với chi phí hợp lý, đồng thời với việc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm chi phí, và năng lượng tái chế, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

             Song, đây không phải là con đường dễ dàng và bằng phẳng đối với mọi quốc gia và nguy cơ "khoảng cách xanh" ("green divide") là không thể loại trừ. Thực vậy, tại Châu Á chúng ta hiện có một số quốc gia đã có bước tiến xa trong phát triển xanh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi có nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu trong quá trình xanh hóa nền kinh tế. Do đó, chúng tôi đề nghị cần có sự hỗ trợ về kinh nghiệm và công nghệ của các quốc gia đi trước trong lĩnh vực này. Nhận thức rõ hiệu quả của công nghệ xanh và chi phí của việc sử dụng những công nghệ này là vô cùng quan trọng đối với các việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược kinh doanh. Do đó, chúng tôi cho rằng Nhật Bản có thể nghiên cứu việc xây dựng một trung tâm xúc tiến phát triển xanh ASEAN-Nhật Bản. Tại đó Nhật Bản có thể giới thiệu với các nhà Lãnh đạo, các nhà khoa học và các nhà quản lý doanh nghiệp ASEAN về các công nghệ xanh mà Nhật Bản đã áp dụng thành công. Từ đó, Nhật Bản có thể hỗ trợ các nước xây dựng chính sách công nghệ xanh đồng thời hỗ trợ lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển chính sách doanh nghiệp mình trên cơ sở công nghệ xanh. Sau đó chúng ta có thể cùng với những nước phát triển như Nhật Bản xây dựng trung tâm phát triển xanh ở những quốc gia kém phát triển hơn ở khu vực Châu Á nhằm hỗ trợ và khuyến khích những doanh nghiệp sở tại áp dụng công nghệ xanh một cách hiệu quả. Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Nhật Bản hoặc Hàn Quốc về việc xây dựng những trung tâm công nghệ xanh như vậy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và các thành phố khác ở Việt Nam.

Thưa Quý vị và các bạn

Mặc dù vào thời điểm hiện tại, mức độ phát triển giữa các nước ASEAN còn chênh lệch. Trình độ phát triển giữa các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực châu Á vẫn chưa thực sự cân xứng. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa các quy định và cam kết vẫn là vấn đề cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế khu vực Châu Á trong hiện tại và tương lai. Trước mắt các quốc gia có thể đi từ dễ đến khó, xây dựng khung hợp tác đồng bộ và từng bước tiến tới các vấn đề cụ thể hơn.

Trong thời điểm hiện nay, ý tưởng xây dựng một mối quan hệ đối tác kinh tế lớn, bao quát và toàn diện giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á đang ngày càng được quan tâm. Dưới góc độ của một quốc gia là thành viên của ASEAN, chúng tôi cho rằng cho dù được xây dựng với hình thức và quy mô nào thì quan hệ đối tác kinh tế khu vực châu Á nên đảm bảo được những tiêu chí sau:

Thứ nhất, quan hệ đối tác kinh tế Châu Á cần phải dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và không gây ra tác động tiêu cực đối với bên thứ ba.

Thứ hai, quan hệ đối tác kinh tế Châu Á cần phải có sự đồng bộ và hài hòa. Đây là điều vô cùng quan trọng cho hợp tác ở khu vực rộng lớn hơn. Các hiệp định song phương nếu có sự đồng bộ sẽ dễ dàng hơn nhiều khi mở rộng thành các thỏa thuận đa phương. Đồng bộ sẽ góp phần giảm bớt lực cản cho luồng vốn đầu tư và dòng hàng hóa trong thương mại khi có quá nhiều quy định và cam kết chồng chéo trong các Hiệp định giữa ASEAN và các đối tác phát triển là các quốc gia trong khu vực.

Thứ ba, quan hệ đối tác kinh tế Châu Á cần phải toàn diện, bao trùm trên nhiều lĩnh vực như: phát triển hạ tầng cứng và mềm, kết nối của giao thông và viễn thông, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao và các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục, thương mại và đầu tư.

Thứ tư, quan hệ đối tác kinh tế khu vực châu Á nên vừa đảm bảo phát triển nội khối vừa là một mối quan hệ hợp tác kinh tế mở với sự tham gia của nhiều bên đối tác.

Về điểm này, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 vừa được tổ chức tại Hà Nội, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí ASEAN cần tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tiến hành trên cả 3 cấp độ ASEAN, Đông Á và toàn cầu.

             Thưa Quý vị và các bạn,

Đối với Việt Nam, khu vực Châu Á, cụ thể là Đông Á là đối tác kinh tế lớn và quan trọng xét cả về kim ngạch, tỷ trọng trong thương mại cũng như về đầu tư. Tỷ trọng thương mại của các nước Đông Á chiếm 53% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, nếu tính cả Úc, Niu – di – lân và Ấn Độ thì con số này là 56%. Không chỉ là đối tác lớn nhất, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á còn tăng trưởng với tốc độ cao. Từ năm 2004 đến 2008, kim ngạch hai chiều Việt Nam và Đông Á đã tăng từ 32 tỷ USD lên tới 82 tỷ USD. Về quan hệ đầu tư, Đông Á là nguồn cung cấp chính đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2009, FDI của các nước Đông Á vào Việt Nam đạt khoảng 88 tỷ USD và 26 tỷ USD vốn thực hiện, lần lượt chiếm 53% và 47% vốn đăng ký và thực hiện ở Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Chúng tôi vui mừng trong những năm qua, quan hệ giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á diễn ra hết sức sôi động Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật  Bản đã được ký kết năm 2008, Cơ chế hợp tác Mê Công- Nhật Bản đã hình thành và được đẩy lên mức độ cao nhất với cuộc họp cấp cao Mê Công Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức tại Tokyo cuối năm ngoái. Nằm trong bối cảnh chung đó, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện.  Hai nước đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Sáng kiến chung Việt - Nhật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu. Tính đến 20/4/2010, Nhật Bản có 1.211 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19,34 tỷ USD, đứng thứ 3/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã cam kết khoảng 16 tỷ USD ODA cho Việt Nam, trong đó ODA tài khóa 2009 đạt 145,6 tỷ Yên cao nhất từ trước đến nay. Hợp tác giữa hai quốc gia đã phát triển rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh thương mại, đầu tư nói chung hợp tác trên các lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch liên tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là những con số,  hay những đầu mục hợp tác mà là mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế thế giới và khu vực, Nhật Bản vẫn luôn dành sự hỗ trợ lớn cho Việt nam, đó là sự giúp đỡ vô cùng quý báu mà nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng. Hiện nay, nhu cầu phát triển về hạ tầng cơ sở và các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất lớn, tôi mong rằng Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này. Thông qua các hợp tác này, chắc chắn Nhật Bản sẽ củng cố vai trò và lợi ích của mình tại khu vực. 

 Thưa Quý vị,

Khu vực châu Á đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, đã phải đối mặt với nhiều chấn động về kinh tế. Tuy nhiên, qua mỗi đợt khủng hoảng, chúng ta lại chứng kiến những bước phục hồi và tiến bộ vượt bậc của khu vực. Trong thời điểm hiện nay, khu vực Châu Á vẫn được đánh giá là động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, là khu vực phát triển năng động với nhiều tiềm năng to lớn. Sở dĩ châu Á có khả năng phục hồi nhanh chóng sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bên cạnh nỗ lực tự thân của từng quốc gia, còn nhờ có sự tương trợ lẫn nhau thông qua các khuôn khổ hợp tác và quan hệ đối tác kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực. Điều quan trọng là trong quá trình đó là các quốc gia luôn nhìn nhận những khó khăn của đối tác như chính những khó khăn của mình, tìm những biện pháp giải quyết những vướng mắc chung trên cơ sở "đối tác kinh tế bình đẳng" và "thông hiểu lẫn nhau".

Tôi thực sự mong muốn rằng các quốc gia trong khu vực châu Á, sẽ luôn giữ vững được tinh thần tương trợ tương ái, chung sức đồng lòng, cởi mở trong hợp tác để cùng vượt qua khó khăn, xây dựng nền tảng vững chắc mới cho sự phát triển của toàn khu vực trong thời gian tới. 

Thưa Quý vị và các bạn

Nếu các bạn và chính phủ các bạn đang tìm kiếm

-         một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng,

-         một lực lượng lao động 35 triệu người có tay nghề, cần cù và sẵn sàng học hỏi,

-         một đất nước có nền chính trị ổn định và một Chính phủ đang được cải cách,

-         một đất nước Châu Á với lịch sử 4000 năm với rất nhiều di sản văn hóa và tự nhiên của Thế giới,

-         một cửa ngõ đáng tin cậy để tiến vào Đông Nam Á, với các công dân không chỉ nói tiếng Anh mà còn nói tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Đức.

Xin hãy nhớ đến một cái tên: Việt Nam.

Xin chúc Quý vị và các bạn sức khoẻ và hạnh phúc,

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

            Xin trân trọng cảm ơn./.