PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

Tại Hội nghị về kinh tế Việt Nam

do Thời báo Nhà Kinh tế (the Economits) tổ chức

(Hà Nội, ngày 8-9/01/2008)

-------------------------------

 

Thưa Quý vị và các bạn,

Hôm nay, trong những ngày đầu tiên của năm mới 2008, tôi rất vui mừng đến dự phiên khai mạc Hội nghị về phát triển kinh tế của Việt Nam do Thời báo Nhà Kinh tế và Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp tổ chức. Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả Quý vị đã tới dự Hội nghị và xin gửi tới các quý vị và các bạn những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Thưa các Quý vị và các bạn,

Trong 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm; trong 3 năm 2005, 2006 và 2007 đạt trên 8,0% và dự kiến năm 2008 đạt khoảng 8,5 - 9%. Xuất khẩu đạt mức tăng bình quân 18%/năm, riêng 3 năm gần đây tăng khoảng 22%/năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Bình quân GDP đầu người năm 2007 so với năm 1988 tăng khoảng 10 lần, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%; các lĩnh vực văn hoá xã hội đều có những chuyển biến tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vai trò vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Với những thành tựu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực, Việt Nam đang là một nền kinh tế thị trường năng động có nhiều triển vọng phát triển, giành được sự quan tâm cao của các Nhà tài trợ, đồng thời là điểm đến an toàn, ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Từ năm 1993 đến nay, có trên 50 Nhà tài trợ song phương và đa phương đã cung cấp nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước tổng cộng trên 42 tỷ USD. Tại Hội nghị các Nhà tài trợ tháng 12 năm 2007 vừa qua, số vốn ODA cam kết là 5,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Cũng tính đến cuối năm 2007 đã có 9.500 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số vốn đăng ký trên 100 tỷ USD.

Trong bối cảnh này, Hội nghị của chúng ta do Thời báo Người Kinh tế khởi xướng và Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề Việt Nam - ngôi sao đang lên, có sự tham gia đông đảo của các quý vị và các bạn trong lĩnh vực nghiên cứu, thông tin kinh tế cùng nhiều doanh nghiệp lớn hôm nay đã thể hiện thiện chí và sự quan tâm cao của quý vị và các bạn đối với sự phát triển của Việt Nam.

Thưa các quý vị và các bạn,

Tuy đạt được những kết quả, thành tựu rất đáng kể trong những năm qua, nhưng do điểm xuất phát rất thấp, nên Việt Nam đến nay vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập thấp và phải đối diện với những khó khăn thách thức rất lớn, trong đó nổi lên là: 1/ chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; 2/ tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng giá cả năm 2007 tăng khá cao, kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; 3/ cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; làm hạn chế khả năng hấp thụ nhanh các nguồn vốn; 4/cải cách hành chính và chống tham nhũng tuy đã có kết quả tích cực nhưng vẫn còn phiền hà, vướng mắc; 5/ đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai còn rất khó khăn; 6/nạn ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và một số vấn đề xã hội khác đang là vấn đề bức xúc. Ngoài ra, những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và những biến động bất thường của khí hậu và thiên tai đang là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Để khắc phục, vượt qua những trở ngại thách thức này, trước mắt là năm 2008, năm có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Chính phủ Việt Nam xác định 5 trọng tâm công tác là: 1/ phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao là 9% cùng với thực hiện tốt các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ, cải thiện môi trường; đặc biệt là kiểm soát tốt giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô 2/ Cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng xa vùng sâu, đồng bào dân tộc và những nơi thường xuyên bị thiên tai; phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn khoảng 11 - 12%; 3/Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; 4/ Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính là nội dung trọng tâm; 5/Tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Tôi rất vui mừng được biết các nội dung dự kiến trong chương trình của Hội nghị chúng ta về cơ bản cũng là những trọng tâm công tác của chúng tôi trong năm 2008 và thời gian tiếp theo.

Tôi tin tưởng rằng, thông qua việc trao đổi, thảo luận thẳng thắn, tin cậy tại Hội nghị, và tại cuộc giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, tất cả chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin, hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ nhất là trong lĩnh vực thông tin kinh tế, thương mại đầu tư và sẽ có những đề xuất, giải pháp thiết thực, cùng hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc hội nhập và phát triển của Việt Nam, và cũng là đóng góp vào sự phát triển của khu vực và thế giới, cùng phát triển, cùng có lợi.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Một lần nữa xin gửi lời chúc năm mới tốt đẹp nhất tới tất cả các quý vị và các bạn.

Xin cảm ơn.